Lịch sử Sông Dâu

Theo sách Cổ Châu Phật bản hạnh kể về sự tích Phật Tứ Pháp vùng Dâu thì vào đời Sĩ Nhiếp cai trị (185-225) có trận cuồng phong làm đổ cây dung thụ bên trong chứa con gái nàng Man Nương do sư thầy Khâu-đà-la đặt vào. Cây từ núi Mả Mang (núi Phật Tích ở huyện Tiên Du) theo sông Dâu về bến Vọng Giang Lâu thành Luy Lâu thì quẩn lại không trôi đi nữa. Sĩ Nhiếp thấy cây to sai quân kéo vào để làm nhà nhưng không kéo nổi. Khi nàng Man Nương đến chỉ cần tung dải yếm ra là kéo vào được. Đêm đó Sĩ Nhiếp nằm mơ được tiên ông báo cần xẻ gỗ làm tượng Phật thì sẽ cầu mưa được mưa và ngài đã làm theo. Đó là hệ thờ phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) đặt ở bốn chùa gần nhau là chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn[5].

Đến thế kỷ 19, con sông Dâu bị cạn, sông Tiêu Tương và sông Dâu biến thành hai con sông chết. Khi đó, sông Dâu và sông Tiêu Tương chảy theo hướng Bắc – Nam, hướng có độ dốc lớn, thường gây ra lũ do lượng nước dồn về nhanh. Cả vùng Dâu – Keo, Đình Bảng ngày xưa đều thường xuyên có lụt. Người dân Kinh Bắc mới khơi con sông Thiên Đức (sông Đuống) theo hướng Tây - Đông để chia nước sông Hồng. Khi đó, con sông Thiên Đức cũng chỉ là một con sông nhỏ, người dân bắc cầu tre đi qua được. Đình làng Đông Hồ nguyên là phía Bắc sông, khi khơi sông mới di về bờ Nam. Khi sông Dâu và sông Tiêu Tương bị lấp, cạn dần đi, sông Thiên Đức lớn lên cắt Bắc Ninh ra làm hai phần: nam phần Bắc Ninh (gồm bốn huyện Gia Lâm, Thuận Thành, Gia Bình, Lang Tài); bắc phần Bắc Ninh (gồm ba huyện: Quế Võ, Tiên DuYên Phong). Sự lớn rộng của con sông Thiên Đức cùng với sự biến mất của con sông Dâu và sông Tiêu Tương là thời điểm đánh dấu sự chấm dứt vai trò trung tâm của Phật giáo Luy Lâu[6].

Năm 1958, khi Nhà nước xây dựng công trình thủy lợi lớn mang tên Đại thủy nông Bắc Hưng Hải thì dòng chảy sông Dâu lại được khôi phục một phần, lấy nguồn nước từ kênh dẫn và cống điều tiết từ sông Đuống ở vị trí không phải dòng sông cổ. Nhưng đoạn từ bến Vọng Giang Lâu về Cầu Gáy thì theo dòng chảy cũ và có đào thêm đoạn chảy về phía huyện Văn Lâm, qua thôn Ngọc Tỉnh (xã Song Liễu), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và nói chuyện với dân công làm mương năm 1958[5].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sông Dâu http://www.dongky.bacninh.com/xem-tin-tuc/68721/ve... http://baochinhphu.vn/Ha-Noi/Luy-Lau-trung-tam-chi... http://chuaxaloi.vn/thong-tin/phat-tich-trung-tam-... http://nguoikinhbac.vn/detail/Bao-ton-va-phat-huy-... http://www.sugia.vn/portfolio/detail/51/luy-lau-th... http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Nhu... https://books.google.com.au/books?id=6kjwCAAAQBAJ https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/hai-l... https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5...